Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những truyền thống văn hóa khác nhau, là những đặc trưng riêng trong phong tục của họ và tạo nên sự độc đáo của mỗi đất nước. Tuy nhiên, một số người, đặc biệt là những người mới đến một quốc gia khác, luôn nghĩ người địa phương sẽ hành động và cư xử giống như họ.
Cũng giống như ngôn ngữ, các truyền thống văn hóa cũng thể hiện, phản ánh các tập quán của một dân tộc. Các truyền thống văn hóa đã in sâu trong một người từ khi được sinh ra. Do đó, những người ngoại quốc không nên nghĩ rằng những điều mà họ coi là cách cư xử hợp lý và lịch sự, biểu cảm khuôn mặt và cử chỉ tay cũng như các phong tục văn hóa ở quốc gia của họ sẽ được chấp nhận ở các quốc gia khác. Dưới đây là bài viết về những truyền thống văn hóa độc đáo mà Dịch thuật CVN chia sẻ cho khách du lịch và bạn bè trên toàn cầu tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán độc đáo, vô nhị cùa một số quốc gia.
Top 20 truyền thống văn hóa độc đáo của các nước trên thế giới
Để tránh bị coi là thiếu tôn trọng hay khiếm nhã khi bạn đến một đất nước khác, hãy tìm hiểu một vài phong tục và truyền thống độc đáo trên thế giới.
1. Hãy lưu ý khi bạn tặng hoa cho người Nga
Nếu bạn có đối tác kinh doanh hoặc bạn bè ở Nga, hãy chú ý tới loài hoa mà bạn tặng họ. Tránh những loại hoa có màu vàng vì chúng tượng trưng cho sự đổ vỡ của một mối quan hệ hoặc lừa dối. Hoa cẩm chướng màu đỏ cũng là một điều cấm kỵ vì đó là loại hoa được tặng cho các cựu chiến binh sống sót qua các cuộc chiến tranh và đặt trên mộ của những người đã khuất.
2. Hãy chú ý tới những món quà bạn tặng đồng nghiệp Trung Quốc
Dù Trung Quốc đã mở của giao lưu với thế giới, nhưng những truyền thống văn hóa của người Trung Quốc sẽ không bao giờ bị xoá bỏ. Họ là một trong những nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới, nên bạn phải hiểu rằng những truyền thống văn hóa của họ đã được phát triển trong hàng ngàn năm và được truyền lại qua các thế hệ. Hầu hết người Trung Quốc cũng tin vào mê tín, và họ cho rằng mỗi sự vật có một ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Khi tặng hoa cho bạn bè Trung Quốc, tránh sử dụng hoa màu trắng, vì họ liên tưởng đến linh hồn và cái chết. Trong khi ở Hoa Kỳ, hoa màu trắng tượng trưng cho sự trong sáng và tinh khiết. Tương tự, hãy tránh hoa có thân gai. Những món quà khác không tốt để tặng người Trung Quốc là:
- Đồng hồ – Tên gọi của nó trong tiếng Trung (sòng zhōng, có nghĩa là gửi đồng hồ) nghe khá giống sòng zhōng hay nghi thức tang lễ. Nó cũng có thể được hiểu là thời gian đang trôi qua, hoặc cuộc sống và mối quan hệ có thể kết thúc.
- Khăn tay – Trong tiếng Trung, nó được phát âm nghe giống như lời chào tạm biệt.
- Ô – Tặng cho bạn bè hoặc đồng nghiệp Trung Quốc một chiếc ô được coi là dấu hiệu đánh dấu sự kết thúc của một mối quan hệ. Bạn và người khác có thể dùng chung ô nhưng bạn phải mang nó về với bạn.
- Những món quà đi kèm theo số 4 – Số 4 luôn được liên tưởng đến cái chết.
- Dép, giày bằng rơm – Nó cũng có thể được hiểu là bạn muốn chia tay.
- Mũ tai bèo màu xanh lá cây – Màu xanh lá cây được xem là may mắn đối với những người khác vì nó là màu của tiền bạc. Tuy nhiên, đối với người Trung Quốc, một chiếc mũ tai bèo màu xanh lá cây có nghĩa là người vợ không còn chung thủy nữa.
3. Đừng bao giờ yêu cầu thêm muối khi ăn tại Ai Cập
Trong nhiều nền văn hóa, như ở Hoa Kỳ, việc yêu cầu muối để thêm vào đồ ăn là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn ăn tối với bạn bè và đồng nghiệp tại Ai Cập, hãy nhớ luôn tránh yêu cầu thêm muối. Điều này được coi là sự xúc phạm đến chủ nhà, vì người Ai Cập tin rằng bạn không thích hương vị của bữa ăn được phục vụ cho bạn.
4. Vấn đề đúng giờ ở Venezuela
Tiêu chuẩn giờ giấc ở mỗi quốc gia là khác nhau. Ở Venezuela, việc đến muộn khoảng 10 đến 15 phút cho một lời mời dự tiệc thực tế là một điều nên làm. Đến sớm đối với người Venezuela có nghĩa là người đó quá hiếu thắng hoặc tham lam. Trong khi người Mỹ luôn chú trọng đến việc đúng giờ, giống như người Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở Malaysia, việc đến trễ 5 phút (thực tế có thể kéo dài đến 60 phút) là còn có thể chấp nhận được và bạn không cần phải xin lỗi. Còn ở Ma-rốc, việc hẹn gặp đúng giờ là không quan trọng, hoàn toàn chấp nhận được thậm chí bạn đến trễ 1 giờ hoặc cả ngày! Đối với người Trung Quốc, nếu bạn đến trễ 10 phút thì vẫn chấp nhận được, trong khi người Mexico và Hy Lạp sẽ bỏ qua cho bạn nếu bạn đến trễ 30 phút so với giờ hẹn.
5. Hãy chú ý tác phong cách ăn uống ở Na Uy
Trong một số nền văn hóa, việc ăn đồ ăn với tay trần là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo nghi thức phép tắc, thường yêu cầu bạn sử dụng dao thìa, đũa hoặc thìa, dao và nĩa khi ăn uống. Hãy chắc chắn bạn biết cách ăn uống với dao và nĩa trước khi đi du lịch đến Na Uy. Ở đất nước Bắc Âu này, ngay cả bánh mì kẹp cũng được ăn bằng dao và nĩa.
6. Nói không với vật sắc nhọn ở Hà Lan
Truyền thống văn hóa của Hà Lan và Trung Quốc khác nhau rất nhiều. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều có điểm chung là không thích nhận những đồ vật sắc bén như kéo cắt tóc hoặc dao nhà bếp. Hãy nhớ điều này – việc tặng các vật dụng sắc bén cho bạn bè hoặc đồng nghiệp ở Hà Lan (và ở Trung Quốc) là không được chấp nhận. Đối với người Hà Lan, các đồ vật sắc bén được coi là món quà không may mắn, trong khi đối với người Trung Quốc, nó có nghĩa là bạn muốn chấm dứt hoặc cắt đứt mối quan hệ với họ.
7. Rụng răng ở Hy Lạp
Đối với nhiều nền văn hóa, trẻ em thường được kể chuyện giữ những chiếc răng sữa của mình dưới gối và Răng Tiên sẽ đưa cho chúng tiền thay cho những chiếc răng đó. Nhưng đối với trẻ em Hy Lạp, chúng lại ném chiếc răng của mình lên mái nhà. Truyền thống văn hóa này có ý nghĩa giúp trẻ có một chiếc răng khỏe mạnh cũng như mang lại may mắn cho gia đình.
8. Nói “Dô” nhưng không cụng ly ở Hungary
Thường thì khi tụ tập hoặc nhậu nhẹt, đặc biệt là trong các dịp kỷ niệm, việc nói “Dô” và cụng ly là một thói quen phổ biến. Tuy nhiên, bạn sẽ không bắt gặp điều trên nếu đang ở Hungary. Lý do là vì trong cuộc chiến với Áo năm 1849, lực lượng Hungary đã bị đánh bại một cách dã man, và họ chứng kiến các tướng lĩnh Áo ăn mừng bằng cách uống bia và cụng ly. Người Hungary đã thề không cụng ly khi uống đồ uống trong 150 năm. Lời thề này kết thúc vào năm 1999, nhưng đa số người Hungary vẫn giữ truyền thống văn hóa này.
9. Chọn đúng thời điểm để thảo luận kinh doanh nếu ở Bolivia
Nếu bạn đang ở Bolivia để thảo luận kinh doanh và thời gian của bạn có hạn, thì bạn vẫn bị coi là bất lịch sự khi thảo luận về công việc trong một bữa tiệc tối hoặc các dịp khác. Người Bolivia tin rằng một bữa tối là để cải thiện các mối quan hệ cá nhân. Nếu bạn được mời đến một bữa ăn trưa hoặc tối liên quan đến công việc, đừng đề cập đến chủ đề kinh doanh trên bàn ăn, trừ khi chủ nhà người Bolivia của bạn là người đầu tiên nói đến nó. Nếu không, hãy thưởng thức bữa ăn và tạo mối quan hệ tốt hơn với chủ nhà người Bolivia của bạn bằng cách nói về gia đình.
10. Đừng “chia đôi” hóa đơn ở Thổ Nhĩ Kỳ
Trong một số nền văn hóa, việc chia tiền cho bữa ăn có thể được chấp nhận, ngay cả khi bữa trưa hoặc tối được dành cho bạn. Tuy nhiên, việc này không được chấp nhận khi bạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc đề nghị trả một nửa chi phí bữa ăn được coi là lịch sự, nhưng chủ nhà của bạn sẽ bị xúc phạm nếu bạn cứ nhất quyết muốn trả tiền. Bạn có thể đáp lại bằng cách mời chủ nhà của bạn đến một bữa ăn tiếp theo để bạn có cơ hội trả tiền cho bữa trưa hoặc tối lần này.
11. Tránh sử dụng mực đỏ khi viết tên bạn bè ở Hàn Quốc
Mực viết có nhiều màu sắc khác nhau và đôi khi việc sử dụng chúng để vẽ những bức tranh, hình ảnh và những thứ khác. Đối với một số người, màu mực viết không quan trọng, miễn là tên của họ được viết đúng. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, bạn không nên sử dụng mực đỏ để viết tên vì với họ, mực đỏ tượng trưng cho cái chết.
12. Đi tắm hơi ở Phần Lan
Đối với nhiều người, việc đi đến phòng tắm hơi là một việc cá nhân. Đi đến phòng tắm hơi là một cách tuyệt vời để giải tỏa stress và thư giãn. Đó cũng là một cách để giao lưu xã hội. Người Phần Lan cũng nghĩ như vậy, nhưng nếu đối tác kinh doanh của bạn mời bạn đến phòng tắm hơi sau cuộc họp của bạn, đừng quá kinh ngạc. Điều này có nghĩa cuộc họp kinh doanh của bạn đã thành công.
13. Ngồi ở đâu khi đi xe taxi ở Úc
Trong phim và tranh ảnh, chúng ta thường thấy người đi taxi ngồi ở phía sau của xe. Lớp học Etiquette 101 (một khóa học về các quy tắc, nguyên tắc và thói quen về phép lịch sự trong giao tiếp, hành vi và cách ứng xử trong các tình huống khác nhau) của bạn có thể đã dạy bạn rằng đó là cách phù hợp để đi taxi nếu bạn là người duy nhất trong xe. Nhưng ở Úc, việc ngồi phía sau được coi là hợm hĩnh. Người Úc thường ngồi phía trước với tài xế taxi.
14. Chào hỏi con sẻ đơn độc ở Vương quốc Anh
Ở nhiều vùng của Vương quốc Anh, việc chào hỏi con sẻ đơn độc được coi là truyền thống để tránh rủi ro xui xẻo.(Magpie on its own được dịch theo nghĩa đen là sẻ đơn độc vì đây là một truyền thống của người Anh và được cho là liên quan đến tín ngưỡng tâm linh. Theo truyền thống này, khi người ta thấy một con chim sẻ đơn độc, tức là không có đồng bọn, thì họ sẽ nói một câu để tránh mang lại rủi ro hoặc điều không may cho mình. Câu thường được nhắc đến trong trường hợp này là “One for sorrow, two for joy, three for a girl, four for a boy, five for silver, six for gold, seven for a secret never to be told.”)
15. Chúc mừng sinh nhật ở Hà Lan
Bạn sẽ không cảm thấy cô đơn khi kỷ niệm sinh nhật của mình ở Hà Lan. Ở đất nước này, truyền thống là chúc mừng người kỷ niệm sinh nhật cũng như gia đình và người thân của người đó.
16. Chào hỏi ở Nhật Bản và Đức
Khi bạn ở Đức và được mời đến một buổi tụ tập, truyền thống là phải bắt tay với mọi người trong phòng. Bạn còn phải bắt tay với các trẻ em có mặt tại đó. Còn ở Nhật người ta thường chào hỏi và cảm ơn bằng việc cúi đầu. Độ sâu của việc cúi đầu phụ thuộc vào địa vị xã hội hoặc tuổi tác của người bạn đang chào hỏi. Việc hôn lên má của một người là một lễ nghi chào hỏi thông thường ở Argentina. Đối với bạn bè ở Brazil, khoảng ba nụ hôn lên má là thông lệ. Ở Pháp, truyền thống văn hóa của việc hôn lên má tùy thuộc vào khu vực. Tuy nhiên, ở Brest, việc hôn một bên má của người khác là chấp nhận được. Ở Toulouse, bạn có thể hôn cả hai bên má. Tuy nhiên, ở Nantes, việc hôn bốn nụ hôn lên má là binh thường.
17. Kéo ngón tay ở Áo
Bạn có thể sẽ thắc mắc khi nhìn thấy những người đàn ông Áo tham gia vào trò chơi kéo tay. Đó thực sự là một môn thể thao truyền thống và các quy tắc của trò chơi khá nghiêm ngặt. Trò chơi được gọi là Fingerhakeln (kéo tay), giống như một phiên bản nhỏ của trò kéo co. Mục tiêu là giống nhau, kéo đối thủ qua chiếc bàn bằng ngon tay. Ở Bavaria người ta cũng chơi môn thể thao này.
18. Độc thân sau 25 tuổi ở Đức
Ở một số nền văn hóa, truyền thống là gia đình sẽ kết hôn cho con cái của họ khi còn rất trẻ. Ví dụ, ở Đức một người vẫn độc thân khi đến tuổi 25 sẽ bị bạn bè ném bột quế khắp người trong suốt cả ngày. Tại Pháp, mọi người sẽ mua mũ hài hước cho bạn bè độc thân 25 tuổi vào ngày 25 tháng 11, được gọi là Ngày Thánh Catherine. Ở Đức, khi một người đạt đến tuổi 25 và vẫn độc thân, bạn bè sẽ treo tất từ nhà của người đó đến nơi tổ chức sinh nhật, và sau khi đi qua một vài đôi tất bạn bè sẽ yêu cầu người được kỷ niệm sinh nhật uống một ly.
19. Úp mặt vào bánh sinh nhật ở Mexico
Trong phim ảnh và thực tế, việc úp mặt vào bánh sinh nhật luôn khiến chúng ta bật cười. Một số người coi đó như một trò đùa và một số người khó chịu vì điều đó. Nhưng ở Mexico, đó là một truyền thống văn hóa, vì vậy người được kỷ niệm sinh nhật không có lý do gì để tức giận. Nó còn tuân theo một quy trình cụ thể. Bánh sinh nhật được đưa ra và bày trước mặt người được kỷ niệm sinh nhật. Khách mời hát bài hát sinh nhật và sau đó nến được thổi. Người được kỷ niệm sinh nhật ăn một miếng bánh và chắc chắn rồi, ai đó sẽ úp mặt họ vào chiếc bánh.
20. Cõng vợ là một môn thể thao ở Phần Lan
Đâu ai nghĩ rằng việc cõng vợ sẽ được coi là một môn thể thao? Ở Phần Lan, cõng vợ, hay còn gọi là eukonkanto trong tiếng Phần Lan, thậm chí là một môn thể thao được chấp nhận và các cặp đôi từ các quốc gia khác nhau mỗi năm đều tụ họp tại Sonkajarvi để tham gia vào hoạt động đã bắt đầu vào thế kỷ 19 này. Kể từ năm 1992, nó đã được gọi là Giải Cõng Vợ Vô Địch Thế Giới. Giải thưởng là bia, với số lượng bia tương ứng bằng với trọng lượng của người vợ. Từ năm 2005, môn thể thao này đã được tổ chức ở các quốc gia khác nhau, như Úc, Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh và Châu Á.
Mỗi đất nước, quốc gia đều có nét văn hóa truyền thống riêng và nhân dân mỗi nước đều có quyền tự hào về điều này. Bài viết trên đây mà công ty Dịch thuật CVN cung cấp là để chia sẻ cho mọi người tìm hiểu và biết thêm về những truyền thống văn hóa độc đáo của các nước trên thế giới. Những truyền thống văn hóa này không chỉ độc đáo, kỳ lạ, thú vị, mà còn là tấm gương phản ánh rõ nét vẻ đẹp về văn hóa và lịch sử của từng quốc gia.